Trò chuyện với Rita về tu tập: mọi việc đều hoàn hảo, ngay lúc này!
Link gốc http://trongsuot.com/2010-12-27/tro-chuyen-voi-rita-ve-tu-tap.htm
Gửi Trongsuot,
Tuần trước gặp anh ở Sài Gòn, khi về anh có nói em đang ở trong điều kiện thuận lợi và khuyên em nên tu tập, mặc dù đã bắt đầu một thời gian nhưng em cảm thấy mình chưa biết thế nào là tu tập thực sự cả, nên phải hỏi anh thôi! Em nghĩ mình có xu hướng hơi giống anh, nên có thể kinh nghiệm của anh sẽ giúp được em.
Rita, tp. HCM
Rita yêu quý
Câu hỏi “thế nào là tu tập thực sự?” là một câu hỏi cơ bản, và cũng là câu hỏi của nhiều người đã và đang đi trên con đường tu tập, có lẽ nhiều hơn nhiều so với tưởng tượng của bạn. Có nhiều người dù đã tu tập hàng chục năm rồi vẫn đang hỏi câu hỏi này , thậm chí có những người dù đã khá nổi tiếng và thường đi giảng pháp cho hàng vạn người nghe, cũng vẫn đang tự hỏi câu hỏi đó! Họ chỉ không đủ dũng cảm để công khai nói nó ra như bạn mà thôi.
Bạn hãy thử đem câu hỏi này hỏi những người khác kể cả những vị thầy mà mình quen biết, bạn sẽ thấy một điều thú vị, câu trả lời cho một câu hỏi tưởng như đơn giản như vậy lại thật khác nhau! Thật kỳ lạ, tại sao lại như vậy? Câu hỏi này không phải quá khó để tìm ra ngay một câu trả lời, trong kinh điển và sách vở đã nói quá nhiều về thế nào là tu tập. Thế nhưng thực tế là, nếu một người lấy câu trả lời từ kinh sách thì sau khi trả lời xong vẫn thấy mù mờ về chính câu trả lời của mình, và họ lại tiếp tục đi tìm câu trả lời từ những kinh sách khác, những vị thầy khác…
Đôi khi họ dừng lại và tự hỏi, tại sao những bậc thầy chứng ngộ trong quá khứ lại có thể nói nhiều và viết nhiều đến vậy, và có vẻ khác nhau đến vậy chỉ để trả lời cho một câu hỏi đơn giản: Thế nào là tu tập thực sự? Cho dù đọc bao nhiêu câu trả lời đến từ những bậc thầy vĩ đại đi nữa, nếu không thực sự cảm nhận được chúng một cách trực tiếp không qua lý luận của tâm trí, thì câu hỏi vẫn còn đó và ngày một lớn hơn.
Vậy tu tập nghĩa là gì? Nói một cách ngắn gọn thì tu tập là quá trình người ta đi từ trạng thái sống trong mê lầm tới sự tỉnh giấc thoát khỏi mê lầm và sống trọn vẹn trong sự tỉnh giấc này. Trạng thái mê lầm được gọi là vô minh, và sự tỉnh giấc được gọi là giác ngộ. Do khởi hành từ trạng thái mê lầm nên người ta không tránh khỏi khả năng lầm lẫn trên đường đi, vì vậy câu hỏi “thế nào là tu tập thực sự?” là một câu hỏi tự nhiên và diễn ra thường xuyên trên đường đi để giúp một người định hướng trong từng bước trên con đường của mình.
Tuy nhiên, một câu trả lời thực sự cho câu hỏi này thì không bao giờ có khuôn mẫu, nó được lấy ra từ kinh nghiệm sống động của những người đã đi trọn vẹn con đường tu tập. Đức Phật đã nói về nó trong hơn 45 năm và chính Ngài cũng cho biết những gì Ngài đã nói so với những gì Ngài biết chỉ như một nắm lá trong lòng bàn tay so với số lá trong rừng cây. Giống như một viên đá quý có nhiều góc cạnh tỏa ra vô số màu sắc về vô số hướng, một người đứng ở góc này có thể mô tả về nó một cách hoàn toàn khác với người đứng ở góc bên kia. Tùy vào hoàn cảnh và mức độ nhận thức, sự tu tập của người này cũng khác với sự tu tập của người kia. Mỗi sự mô tả từ những góc độ khác nhau lại góp phần thể hiện trọn vẹn hơn và sáng tạo hơn về vẻ đẹp của viên đá quý, cũng vậy, mỗi con đường và phương pháp tu đem lại một bông hoa đẹp trong rừng hoa vô tận và không ngừng sáng tạo của sự tu tập.
Rita quý mến,
Những lời sau được viết ra dành riêng cho bạn và những người có duyên có thể cảm nhận được chúng. Với những bạn cảm thấy không hiểu hoặc không hợp với những lời này, xin cứ thoải mái bỏ qua và tìm hiểu về tu tập ở những tài liệu khác, đặc biệt Trongsuot khuyến khích bạn tham khảo “Thế nào là tu tập?”, một bài giảng đầy đủ và tuyệt vời hiếm có mà Trongsuot có duyên gặp được.
Vì đây là một bài viết đăng trên internet công cộng tới tất cả mọi người, với những bạn nào cảm thấy chưa thoải mái khi đọc các dòng sau, Trongsuot xin thành tâm sám hối và cầu chư Phật biến chúng thành những hạt giống lành đưa bạn tới giác ngộ trong tương lai. Với các bạn đã có sự chuẩn bị đầy đủ và cảm thấy phù hợp với những lời này, những người đã bắt đầu nhận ra ánh sáng bên trong, xin hãy đưa chúng vào cuộc sống hàng ngày với sự suy xét kỹ càng và tự biết mình sâu sắc.
Kính lễ đức Quán Thế Âm Bồ tát, vị thầy đại diện cho tất cả các vị thầy của con
Kính lễ Phật tính, vị thầy thường trụ trong con,
Trong thời đại ngày nay, tâm trí con người ngày một trở nên phức tạp, và sức lôi cuốn của những thói quen lầm lẫn trong tâm trí trở nên đặc biệt mạnh mẽ, che ám người ta khỏi sự thật sâu xa. Thật quý báu khi luôn có cơ hội giúp người ta nhận ra Phật tính vốn thường hằng tỏa sáng ngay tại nơi đây và xuyên thủng đám mây vô minh tích tụ vô số kiếp chỉ trong chớp mắt. Cơ hội tỉnh giấc này mở ra với bất kỳ ai vào bất cứ lúc nào, nhưng không phải ai cũng ngay lập tức sử dụng nó, người ta gọi quá trình từ lúc chưa sử dụng đến lúc sử dụng cơ hội này là Tu tập, và sự tỉnh giấc này là Giác ngộ.
Và như vậy, tu tập chính là những bước đi của bạn, và vì vậy bạn chính là người sáng tạo ra tu tập. Cho dù bạn có đi sang phải hay sang trái, đi về phía trước hay lùi về phía sau, thậm chí lỡ chân rơi xuống vực sâu và ở đó một thời gian, thì bạn vẫn đang trên đường tu tập. Dù bạn có ý thức mình đang tu tập hay không, thì bạn vẫn luôn sáng tạo ra tu tập trong từng hành động lời nói hay ý nghĩ hàng ngày, bạn chưa bao giờ rời khỏi tu tập và cũng chưa bao giờ tu tập sai vì mỗi bước đi đều đóng một vai trò riêng của nó trong con đường của bạn, dù bạn có nhận ra điều đó hay không.
Tuy nhiên, hôm nay khi hỏi Trongsuot câu hỏi này, ý bạn là Làm thế nào để sử dụng cơ hội giác ngộ sẵn có này NGAY BÂY GIỜ, có đúng vậy không?
Vì nếu bạn hỏi làm thế nào để sử dụng nó trong tương lai, thì bạn đâu cần câu trả lời, kiểu gì thì nó cũng sẽ xảy ra mà, Đức Phật đã đảm bảo với bạn điều đó, Ngài đã nói ta là Phật đã thành, và chúng sinh là Phật sẽ thành, ai cũng sẽ thành Phật cả.
Việc sử dụng cơ hội gọi là giác ngộ này không thể xảy ra trong lúc nào khác ngoài NGAY BÂY GIỜ. Nếu nó đã xảy ra trong quá khứ, bạn sẽ không còn phải hỏi câu hỏi này nữa. Nếu lúc nào bạn cũng nghĩ nó sẽ xảy ra ở đâu đó trong tương lai, nghĩa là lúc nào nó cũng không xảy ra ngay với bạn. Thậm chí nếu bạn nghĩ nó xảy ra trong hiện tại, thì cái bạn có chỉ là một ý nghĩ chứ đâu có gì khác?
Cơ hội giác ngộ luôn luôn có sẵn, nhưng tâm bạn luôn không sẵn sàng sử dụng nó NGAY BÂY GIỜ, nó luôn bị che mờ bởi những ý nghĩ này hay rượt đuổi theo những ý nghĩ khác, không dừng lại ở hiện tại một chút nào cho cơ hội giác ngộ được xảy ra. Hiểu rằng sự giác ngộ chỉ có thể xảy ra NGAY BÂY GIỜ sẽ thấy sự không ngừng chạy theo hay chối bỏ điều gì đó và quên mất hiện tại của tâm chính là cái cản trở lớn nhất để nó xảy ra, vì thế, người ta trước tiên cần làm việc để chuẩn bị những điều kiện cần thiết trong tâm.
Giác ngộ chỉ có thể tự xảy ra, không phụ thuộc vào ý muốn của bạn. Việc duy nhất bạn có thể làm là chuẩn bị để sẵn sàng đón nó.
Thế nào là chuẩn bị sẵn sàng? Nếu bạn cứ nghĩ ngợi và lo lắng thì giác ngộ sẽ không dám đến gần bạn! Tâm có một thói quen luôn không thỏa mãn với những gì diễn ra trong hiện tại. Nó hoặc là không chấp nhận một cái gì đang diễn ra (sân), ví dụ như tự đánh giá mình hay việc gì là sai lầm, hoặc đuổi theo một đối tượng nào khác nó ham thích (tham), ví dụ đang ngồi đọc bài này và nghĩ xem ngày mai ngủ dậy tôi sẽ làm gì, hoặc mờ mịt về những gì diễn ra trong hiện tại (si), ví dụ như đang ngồi đây mà không cảm nhận gì về hơi thở vào ra của cơ thể. Dọn dẹp những điều này nghĩa là làm cho thói quen tham, sân, si biến mất, tâm tự nhiên trong trẻo, không nghĩ ngợi mà luôn nhận biết và sẵn sàng đáp ứng trọn vẹn với những điều đang xảy ra. Đây chính là mảnh đất cần thiết để cơ hội giác ngộ xảy ra NGAY BÂY GIỜ.
Rita yêu quý,
Một trong những việc cần làm để giải quyết thói quen luôn không thỏa mãn với thực tại của tâm, là hãy bỏ đi những ý nghĩ của bạn về sự bất toàn, về sự không xứng đáng, về sự không đầy đủ, về sự tội lỗi hay lầm lạc. Đầu tiên hãy nhận ra sự tu tập của bạn luôn hoàn hảo cho dù đôi khi bạn bối rối không biết đi thế nào cho đúng, dù đôi khi bạn mắc phải những điều bạn gán nhãn là “sai lầm”, ví như bạn đã có những ý nghĩ tiêu cực, hay vô tình nói điều gì đó sai gây ngộ nhận cho người khác… Bạn có thể và nên sám hối, nhưng nên nhớ ngay cả sự bối rối hay sai lầm đó cũng là hoàn hảo, cũng là một bậc thang trên chiếc thang tu tập, liệu có thể nói bậc thang ở giữa thì không quan trọng bằng bậc thang cuối cùng? hay chúng đều đóng vai trò quan trọng tạo nên sự trọn vẹn của con đường tu tập của mình.
Bạn có thể hói “như vậy cả sự mê lầm này cũng là hoàn hảo hay sao?”, này bạn, nếu không có mê lầm thì làm sao có tu tập? Mê lầm chính là một phần tạo nên sự trọn vẹn của tu tập, không có mê lầm thì thậm chí sẽ không có câu hỏi về sự tu tập, không có mê lầm thì Phật không bao giờ xuất hiện và giáo hóa chúng sinh. Không có chúng thì không bao giờ có cuộc du hành gọi là “Tu tập” cả. Cuộc du hành mang tên “Tu tập” này thật hoàn hảo vì cuối cùng ai cũng tới đích, thật tuyệt vời phải không nào?
Trên cuộc du hành này, nếu đôi khi bạn cảm thấy mình quá căng thẳng, hay khi bạn cảm thấy liệu bao giờ mình mới tới đích đây… thì bạn hãy dừng lại và tự hỏi mình câu hỏi sau: “Cái gì quan trọng hơn, cái đích hay là con đường?”. Vào thời điểm giác ngộ, bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của mình.
Đến đây, bạn không cảm thấy tu tập cũng không có gì nghiêm trọng hơn là một cuộc chơi hay sao? cuộc chơi đang diễn ra, hãy tận hưởng nó, hãy nhìn xa hơn một đoạn ngắn gập ghềnh, hãy nhìn trọn vẹn quá trình này và nhận ra rằng cái đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra luôn đóng một vị trí hoàn hảo của nó trong cả quá trình. Hãy hiểu mê lầm cũng có vai diễn của nó giống như giác ngộ, và cuộc chơi đang diễn ra một cách hoàn hảo. Hãy buông bỏ những suy nghĩ tôi đang tu sai hay tu đúng, thực ra chính những suy nghĩ đó cũng đều hoàn hảo và không nhất thiết cần buông bỏ, có điều việc nắm giữ chúng không thể dẫn bạn tới giác ngộ NGAY BÂY GIỜ, còn buông bỏ chúng thì có thể!
Hãy áp dụng sự hoàn hảo này cho mọi điều bạn nhận thức, vì cách mà bạn nhận thức cũng chính là tu tập. Dù bất kể điều gì xấu xảy ra, hãy nhớ ở một góc độ rộng lớn hơn, một quãng thời gian dài hơn, ở góc nhìn toàn thể thì nó là một mắt xích hoàn hảo. Nếu không có những sai lầm trong quá khứ, liệu bạn có thể học được các bài học và trưởng thành như ngày hôm nay? Hãy nhìn như vậy bạn sẽ thấy sai lầm hôm nay cũng quan trọng đối với bài học bạn đang học không kém gì kết quả của bài học đó. Sự thật dù bạn có đang nghĩ nó là xấu thì nó đang đóng góp cho việc bạn học được bài học của mình, vì vậy, về dài hạn thì nó luôn là tốt. Hãy nhận ra điều đó ngay trong lúc này. Thậm chí dù bạn chưa nhận ra tại sao nó tốt hãy tự nhắc mình có một sự hoàn hảo ẩn dưới nó. Sự thừa nhận này sẽ mở ra cơ hội để bạn nhanh chóng học bài học của mình.
Nếu ngày mai một người thân của bạn ra đi? đó cũng là hoàn hảo. Nếu ngày mai công việc của bạn thất bại? đó cũng là hoàn hảo. Nếu ngày mai bệnh tật đến với bạn? đó cũng là hoàn hảo. Nếu ngày mai một sự hiểu lầm làm tất cả danh dự của bạn bị tiêu tan? đó cũng là hoàn hảo… Cả những cảm xúc chúng gây cho bạn, cả những bài học bạn học được từ nó… tất cả đều hoàn hảo.
Nói như vậy không có nghĩa là khuyến khích bạn cứ tiếp tục làm một việc mình thấy rõ là sai lầm và cắn răng tự nhủ rằng chúng đang hoàn hảo. Dù mọi thứ luôn đang hoàn hảo, nhưng hãy nhớ rằng mọi việc trên đời đều có nhân quả, nếu gieo một nhân tiêu cực chắc chắn bạn sẽ gặt một quả tiêu cực, đó là sự vận hành hoàn hảo của tự nhiên. Hãy làm những gì bạn thấy là cần thiết dựa theo sự tự tri, theo lương tâm, theo ánh sáng bên trong của bạn. Nhưng đồng thời cũng nhận ra rằng không việc gì phải căm tức, phải lo sợ, phải hằn thù… vì dù cái gì đã, đang hay sẽ xảy ra có vẻ tiêu cực thế nào, chúng đều luôn hoàn hảo nếu nhìn từ góc độ toàn thể, nếu bạn chưa thấy nó hoàn hảo thì đơn giản chỉ vì vị trì nhìn của bạn chưa đủ cao để thấy hết mọi khía cạnh của nó. Bằng cách này, bạn sẽ có khả năng buông bỏ những cảm xúc tiêu cực không cần thiết của mình.
Để tập luyện, bất cứ khi nào bạn có một sự tiêu cực trong cảm xúc hay suy nghĩ, bất kể khi nào bạn có những đánh giá phản đối cái đang diễn ra với bạn, hãy buông bỏ chúng bằng cách nói: “Có thể tôi chưa nhận ra một cách cụ thể, nhưng nhìn từ góc độ rộng lớn nhất, tất cả những gì tôi đã làm, đang làm, sẽ làm đều hoàn hảo. Tất cả những gì diễn ra trong tôi hay xung quanh tôi đều hoàn hảo. Tất cả đều hoàn hảo, NGAY LÚC NÀY!”.
Bằng cách này, hãy buông xả tất cả những ý nghĩ chối bỏ, những đánh giá tiêu cực trong tâm. Hãy để tâm nghỉ ngơi trong sự hoàn hảo ngay lúc này, mọi thứ vốn đang hoàn hảo, và vì hoàn hảo nên chẳng có gì đáng để bạn bận tâm. Bạn thậm chí không cần phải suy nghĩ về sự hoàn hảo này, chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, không suy nghĩ và bạn sẽ cảm nhận trực tiếp sự hoàn hảo đó… Nếu có thể làm như vậy, những vấn đề của cuộc sống hàng ngày sẽ trở thành một người bạn luôn nhắc nhở mình. Khi điều gì đó tiêu cực lại xảy ra trong tâm và bạn làm theo quá trình trên, ấn tượng sự hoàn hảo này dần ghi sâu vào tâm thức bạn. Đây chính là một phần của câu trả lời về sự tu tập dành cho bạn.
Đây là một cách đặc biệt hiệu quả với những người có khả năng nhận thức tốt, một trong những phương pháp thiện xảo để làm việc với thói quen không chấp nhận thực tại của tâm. Hãy suy nghĩ về nó và áp dụng nó vào từng việc trong thực tế hàng ngày, khi có ai đó hỏi bạn “hôm nay bạn thế nào?” hãy tự trả lời “rất tốt” dù bất kể điều gì đang diễn ra với bạn, đầu tiên có thể hơi là lạ cho tới khi nó trở nên rất tự nhiên.
Rita quý mến,
Tuy phải tùy duyên mô tả bằng các lời nói và khái niệm, kỳ thực sự hoàn hảo thì vượt hẳn khỏi mọi lý luận, giống như không cần phải chỉ vào mặt trăng và bảo nó rất sáng, không cần phải nghĩ rằng cái gì là hoàn hảo thì nó mới là hoàn hảo, nó đã vốn sẵn như vậy và luôn là như vậy. Vì vậy khi thực hành quan trọng là bước đi chứ không chỉ nhìn vào ngón tay chỉ đường, hãy ngước nhìn mặt trăng và bạn sẽ kinh nghiệm trực tiếp ánh sáng này.
Đó là những gì Trongsuot muốn chia sẻ với bạn hôm nay.
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét